Trong chương trình giáo dục thực hành tại Maya, mỗi năm học, học sinh THCS được trực tiếp tham gia vận hành 01 dự án học tập thực tế hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, học sinh được tự do lựa chọn 1 trong 7 xưởng thực hành đại diện cho các nhóm ngành trọng điểm để giải quyết 1 vấn đề kinh tế, xã hội cụ thể. 

Việc tự xây dựng và vận hành một dự án thực tế giúp các bạn học sinh phát triển toàn diện các kiến thức và kỹ năng nằm trong bộ 16 Kỹ năng Thế Kỷ 21 theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

THÔNG TIN CHUNG

Trong năm học 2023 – 2024, dự án học tập thực tế của học sinh THCS Maya tại xưởng Lá Mây Farm là “Phát triển mô hình Aquaponic tại địa phương”. Trong đó, dự án tập trung nghiên cứu cải tiến quy trình Aquaponic dễ ứng dụng và chuyển giao cho các hộ gia đình tại địa phương để cải thiện chất lượng nguồn thực phẩm của các gia đình.

Mục đích mà dự án hướng tới bao gồm:

  • Mục đích cộng đồng: Tạo ra mô hình bền vững kết hợp nuôi cá – trồng rau hiệu quả, an toàn, nhằm cung cấp thực phẩm sạch, tiết kiệm nước, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình canh tác rau.
  • Mục đích giáo dục: giúp học sinh học các kỹ năng như nghiên cứu khoa học (bố trí thí nghiệm, phân tích, tổng hợp số liệu), tư duy logic để rút ra kết quả, quy trình từ những thông tin nghiên cứu. Ngoài ra, dự án cũng rèn luyện các kỹ năng mềm trong bộ 16 Kỹ năng của Thế kỹ 21 theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, bao gồm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng cộng tác, kỹ năng phản biện và giải quyết vấn đề, sự bền bỉ và sáng kiến

Nhóm dự án tại xưởng Lá Mây Farm gồm 6 bạn học sinh THCS Maya từ lớp 6 đến lớp 9:

  • Trương Thị An Khanh – Học sinh lớp 8
  • Hoàng Nguyễn Hải Nam – Học sinh lớp 7
  • Nguyễn Tất Nam – Học sinh lớp 9
  • Nguyễn Hải Anh – Học sinh lớp 6
  • Đặng Nguyễn Lâm Bách – Học sinh lớp 6
  • Hoàng Nhật Minh – Học sinh lớp 6

với sự đồng hành của thầy giáo:

– Thầy Lê Xuân Doanh – Chuyên gia nông nghiệp tại Lá Mây Farm

– Thầy Nguyễn Tuấn Đức – Admin dự án

TIẾN TRÌNH DỰ ÁN

Các dự án học tập thực tế của các xưởng thực hành của Maya đều đi theo tiến trình các giai đoạn:

  • Xác định và phân tích vấn đề
  • Thiết kế và lập kế hoạch
  • Thực hiện
  • Đánh giá

Xác định và phân tích vấn đề 

Dự án học tập thực tế của học sinh THCS tại xưởng Lá Mây Farm xuất phát từ nhiệm vụ giải quyết một vấn đề nổi cộm tại địa phương: Người dân tại xã Tiến Xuân thường xuyên mua và sử dụng rau củ quả không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Từ đó, các bạn học sinh và thầy cô tổ chức các buổi Brainstorm để cùng phân tích vấn đề và xác định các hướng giải quyết. Dưới đây là Cây vấn đề mà nhóm dự án đã xây dựng:

Z4900876961955 B74531a7cb62c9e7cb68e760731c808d

Theo đó, nguyên nhân của việc các hộ gia đình ở địa phương sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc được các bạn đưa ra là:

  • Chợ địa phương tại Tiến Xuân cung cấp nguồn rau củ không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ do nhập từ các chợ đầu mối khó kiểm soát và tâm lý muốn nhập hàng với giá thấp
  • Địa phương chưa có cửa hàng bán rau củ quả sạch rõ nguồn gốc do không có nguồn cung và giá nhập cao
  • Người dân địa phương không có thói quen tự trồng rau củ quả do nhiều nguyên nhân như không có tài nguyên, không có kiến thức, có thể dễ dàng mua tại các chợ, không ý thức được tầm quan trọng và hậu quả của sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không muốn trồng vì tốn công mà hiệu quả kinh tế không cao

Từ việc phân tích vấn đề, nhóm dự án xây dựng Cây viễn cảnh, theo đó đặt ra giả thiết: Nếu các hộ gia đình tại Tiến Xuân sử dụng rau củ quả sạch, rõ nguồn gốc thì điều này sẽ đến từ đâu? Theo đó, các hướng được đưa ra:

  • Nguồn cung rau củ quả sạch sẵn có tại chợ địa phương: Để tạo ra viễn cảnh này, cần tác động đến việc kinh doanh của nhiều tiểu thương trong chợ. Điều này rất khó thực hiện vì liên quan đến vấn đề mưu sinh của tiểu thương; dự án cũng không thể mở một cửa hàng rau củ sạch vì chi phí cao và không có nguồn lực kinh doanh lâu dài
  • Người dân tự trồng và tiêu thụ rau củ quả. Điều này đòi hỏi phải tìm ra một phương án trồng rau củ quả sạch, đơn giản và phù hợp rồi lan tỏa đến địa phương. Đây được cho là phương án khả thi và phù hợp với nguồn lực của dự án nhất.

Z4900876970505 62311c75793b4f1ce1259271522564ed

Từ đó, nhóm tiếp tục phân tích hướng làm để giúp người dân Tiến Xuân có thể tự trồng rau sạch tại nhà, bao gồm:

  • Tìm ra một mô hình trồng rau đơn giản, ít tốn diện tích, thời gian, công sức và phù hợp với điều kiện của người dân địa phương
  • Truyền thông về phương pháp và hướng dẫn tự trồng rau củ quả sạch tại nhà thông qua việc xuất bản và phân phối các video và tài liệu

Theo đó, để đáp ứng được yêu cầu về một phương pháp trồng rau đơn giản, ít tốn không gian, thời gian, tiết kiệm nguồn nước, đất, và an toàn để sử dụng, nhóm dự án đã chọn phương pháp Aquaponic. Đây là phương pháp kết hợp nuôi cá và trồng rau, sử dụng hệ thống tuần hoàn: Nước từ bể cá mang theo nguồn dinh dưỡng mà cá thải ra đi lên hệ cây, cây hấp thụ dinh dưỡng rồi trả lại nước sạch nuôi cá.

Trong quá trình này, lượng nước mất đi rất ít so với các phương pháp canh tác rau thông thường, đồng thời lại tiết kiệm tài nguyên đất vì không tốn nhiều diện tích trồng trọt. Yếu tố này quan trọng bởi nhóm học sinh xét đến thực trạng tại địa phương rằng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm người dân bước vào mùa khô hạn nên lượng nước trở nên khan hiếm, và diện tích sử dụng đất đai để trồng trọt cũng không nhiều. Ngoài ra, vì sử dụng hệ thống tuần hoàn trong đó cây sinh trưởng nhờ dinh dưỡng cá thải ra nên không cần bổ sung phân hóa học, các chất sinh trưởng. Từ đó, rau sạch và quá trình trồng cũng không ảnh hưởng đến môi trường.

Dự án học tập thực tế Maya School - Lá Mây Farm

Để phát triển mô hình này, nhóm dự án cũng phải thực hiện quá trình Nghiên cứu phát triển quy trình, bao gồm quy trình nuôi cá và trồng rau, và Nghiên cứu phát triển Mô hình, bao gồm vẽ bản vẽ mô hình Aquaponic trong nhà và ngoài trời dưới sự hỗ trợ của thầy Doanh.

Trong giai đoạn I của dự án, nhóm học sinh phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc phân tích và tìm ra phương án vừa phù hợp với năng lực của bản thân, nguồn lực của xưởng, cơ sở vật chất và tiềm lực kinh tế, vừa phải thiết thực, bền vững và có ý nghĩa với cộng đồng. Vì vậy, để thống nhất được phương án thỏa mãn các yêu cầu đề ra, nhóm dự án đã phải nghiên cứu, thảo luận trong suốt hơn 1 tháng.

Cũng qua quá trình này, các bạn học sinh đã học được cách tư duy logic, cách phân tích vấn đề một cách thực tế, đánh giá năng lực và nguồn lực của mình để bước đầu tìm ra phương án khả thi và tối ưu nhất.

Thiết kế và Lập kế hoạch 

Sau khi đã xác định được hướng đi cho dự án của mình, nhóm học sinh lại đối mặt với thử thách về việc chưa có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực Aquaponic. Để giải quyết, các thầy tại xưởng Lá Mây Farm đã tổ chức các chuyến đi thực địa (Outing) để nhóm quan sát, học hỏi và thu thập các thông tin cần thiết. Trước mỗi buổi Outing, nhóm tổ chức các buổi thảo luận để cùng nhau lên kịch bản thực địa, xây dựng bảng hỏi và phân công rõ các đầu việc như phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, quay chụp.

Img 1827

Dự án học tập thực tế Maya School - Lá Mây Farm

Chuyến thực địa đầu tiên diễn ra tại một cơ sở vật liệu về thủy canh. Học sinh được gặp gỡ với chú chuyên gia về thủy canh để phỏng vấn về kinh nghiệm thi công Aquaponic, đặc điểm và chi phí của các loại vật tư để cân đối chi phí và tiến hành đặt hàng các vật tư phục vụ cho thử nghiệm. Các bạn cũng mang theo bản vẽ sơ lược để xin góp ý của chú chuyên gia cho dự án của mình.

Ở chuyến thực địa thứ hai, nhóm học sinh được thăm một trang trại thủy canh và lắng nghe chuyên gia hướng dẫn cách vận hành, trồng, pha dinh dưỡng và được trải nghiệm thu hoạch rau ngay tại vườn. Chuyến đi không chỉ giúp các bạn có thêm kiến thức thực tế về trồng thủy canh mà còn tiếp thêm động lực nhờ được trực tiếp quan sát hệ thống vận hành cho ra kết quả tốt trên thực tế.

Dự án học tập thực tế Maya School - Lá Mây Farm Dự án học tập thực tế Maya School - Lá Mây Farm
Dự án học tập thực tế Maya School - Lá Mây Farm Dự án học tập thực tế Maya School - Lá Mây Farm

Trở về từ các chuyến thực địa, nhóm dự án cùng nhau tổng hợp lại các kiến thức thu được qua báo cáo thực địa, rồi xây dựng hệ thống bản vẽ và quy trình nghiên cứu cụ thể. Với sự hỗ trợ của thầy Doanh, nhóm cùng nhau xây dựng và vận hành thử nghiệm một hệ thống Aquaponic nhỏ trong nhà.

Từ những thành quả bước đầu mà nhóm có được, các bạn học sinh bắt tay vào xây dựng hồ sơ xin vốn từ nhà trường và xin hỗ trợ từ phòng Truyền thông. Để chuẩn bị tư liệu xin tài trợ, nhóm bắt đầu từ việc xác định và phân tích đối tượng từ những câu hỏi:

  • Đối tượng xin vốn là ai? Cá nhân hay tập thể?
  • Họ có hứng thú với dự án và sẵn sàng cung cấp vốn cho dự án không?
  • Thói quen, lĩnh vực quan tâm và tiềm lực kinh tế của họ như thế nào?
  • Nhu cầu của họ có khớp với những điều mà dự án mang đến không?

Dự án học tập thực tế Maya School - Lá Mây Farm

Dự án học tập thực tế Maya School - Lá Mây Farm

Từ đó nhóm xây dựng chiến lược gọi vốn, tự làm các tài liệu, slide trình chiếu gồm nội dung được cá nhân hóa để nâng cao khả năng thành công khi xin vốn. Song song với đó, các bạn cũng luyện tập thuyết trình và phản biện. Đặc biệt, việc phải tự phản biện lại những ý tưởng của chính mình cũng là một thử thách không nhỏ đối với nhóm. Các bạn phải tự đặt mình vào vị trí của người tài trợ để thấu hiểu những băn khoăn, từ đó có một kịch bản phản hồi chặt chẽ với các luận điểm thuyết phục.

Ở giai đoạn này, các bạn học sinh được rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học, lập kế hoạch, phân chia công việc, tư duy phản biện và tự phản biện, thuyết trình và quản lý thời gian.

Các giai đoạn tiếp theo 

Dự kiến từ tháng 12/2023 cho đến 05/2023, dự án sẽ tiếp tục triển khai các giai đoạn:

Giai đoạn Thực hiện bao gồm các hoạt động:

  • Nghiên cứu và phân tích cụ thể mô hình Nuôi cá – Trồng rau
  • Tổ chức buổi báo cáo khoa học trước hội đồng trường và thầy cô tại xưởng để báo cáo quy trình và kết quả đạt được trong quá trình nghiên cứu
  • Xây dựng bộ tài liệu bao gồm: video, ấn phẩm về phương pháp Aquaponic
  • Chuẩn bị cho Triển lãm Những dấu chân nhỏ diễn ra vào cuối năm học để trưng bày và giới thiệu hệ thống Aquaponic hoàn chỉnh, bước đầu lan tỏa bộ tài liệu ra cộng đồng

Giai đoạn Đánh giá sẽ bao gồm hoạt động tổng kết, xin đánh giá và tự đánh giá về dự án, để rút ra những kiến thức, kỹ năng đã tiếp thu và những bài học học được từ dự án.

NHỮNG CÂU CHUYỆN VÀ BÀI HỌC

Xuyên suốt dự án, nhóm học sinh đóng vai trò là người vận hành chính, được trao quyền quyết định và tự tay thực hiện các công việc mà mình đề ra. Đồng hành cùng các bạn là các thầy giáo trong xưởng. Thay vì “cầm tay chỉ việc” và làm hộ mỗi khi dự án gặp vướng mắc, các thầy chỉ định hướng, hỗ trợ và cung cấp những kiến thức, công cụ mà các bạn cần để tiến hành kế hoạch của mình. Điều này cho phép các bạn chủ động làm việc, tự phát triển khả năng giải quyết vấn đề và có ý thức trách nhiệm đối với mọi quyết định của mình.

Dự án học tập thực tế Maya School - Lá Mây Farm

Đối với dự án “Phát triển mô hình Aquaponic tại địa phương” nói riêng và các dự án học tập thực tế về nông nghiệp của xưởng Lá Mây Farm tại trường Maya nói chung, học sinh luôn được học qua những trải nghiệm thực tế. Các kiến thức về nông nghiệp vốn xa xôi trên sách vở, lại trở nên gần gũi và dễ tiếp cận khi học sinh được thực hành ngay trên nông trại, với đất, nước, và các công cụ có sẵn. “Học” luôn đi đôi với “Làm”, vì vậy học sinh dễ dàng hiểu khái niệm, ghi nhớ tốt hơn và hứng thú với bài học hơn. Theo thầy Doanh, việc tiếp xúc với nông nghiệp từ những năm tháng học sinh thông qua các dự án thực tế cũng giúp các bạn biết quý trọng thực phẩm và công sức của những người nông dân, và biết ơn cuộc sống hơn.

Dự án học tập thực tế Maya School - Lá Mây Farm

Dự án học tập thực tế Maya School - Lá Mây Farm

Dự án đã đi được nửa con đường, học sinh đã đối mặt và tự vượt qua nhiều thử thách không hề dễ dàng với lứa tuổi. Nhóm không chỉ phát triển được ý thức sâu sắc và tốt đẹp về phát triển bền vững và tạo nên tác động tích cực cho cộng đồng, mà ở phương diện cá nhân, các bạn cũng đã học được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quý giá như lập kế hoạch, vận hành dự án, giao tiếp, phối hợp, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, sự kiên trì, bền bỉ,…

Cũng có những bài học dạy cho các bạn cách xử lý đúng đắn với những tình huống diễn ra thường ngày trong cuộc sống. Theo thầy Doanh kể lại, vào chuyến thực địa đến nông trại thủy canh, một nhóm bạn học sinh vì hiếu động nên đã không may làm hỏng một chậu cây. Trước tình huống đó, mặc dù rất bối rối, nhóm đã chủ động xin lỗi chân thành với chú chủ nông trại, không hề đổ lỗi hay trốn tránh. Đó là một bài học về thái độ và cách ứng xử khi mắc sai lầm khiến thầy giáo rất ấn tượng.

Img 9109

Mặt khác, việc vận hành dự án cũng đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhân sự tham gia. Với các thành viên thuộc nhiều độ tuổi từ lớp 6 đến lớp 9, sự khác nhau trong kinh nghiệm và cách suy nghĩ là không thể tránh khỏi. Đó cũng là lúc nhóm học về sự dung hòa, phân công công việc theo năng lực và thế mạnh. Các anh chị lớn hơn sẽ đóng vai trò điều phối và quyết định, trong khi các em nhỏ có thể giúp đỡ những công việc nhỏ hơn. Như vậy, nhóm có thể vận hành trơn tru, mỗi thành viên đều có vai trò cụ thể và cảm thấy những đóng góp của mình là có ích.

Khi được hỏi về điều tự hào nhất về học sinh của mình trong dự án lần này, thầy Doanh chia sẻ: “Mình rất vui vì các bạn đều rất nghiêm túc với công việc. Ở lứa tuổi này, việc có thể ngồi tập trung suy nghĩ và nghiên cứu về một dự án khoa học là rất khó, nhưng các bạn khiến mình rất bất ngờ vì thái độ làm việc rất tốt, cùng nhau lên kế hoạch, phân tích và nghiên cứu mà không cần các thầy phải nhắc nhở”.

Hiện tại, vào thời điểm tháng 11/2023, nhóm dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị cho quá trình xin tài trợ. Chúc cho dự án “Phát triển mô hình Aquaponic tại địa phương” của học sinh THCS Maya tại xưởng Lá Mây Farm sẽ thành công tốt đẹp.