DỰ ÁN HỌC SINH TẠI NÔNG TRẠI LÁ MÂY
Dành cho các bạn chưa biết, Lá Mây Farm là farm của trường học nông trại Maya School, có nhiệm vụ hướng dẫn Dự án nông nghiệp cho học sinh Maya. “Hướng dẫn trồng nấm bằng phụ phẩm nông nghiệp” là 1 Dự án của Lá Mây hướng dẫn cho học sinh khối THCS. Giống như các dự án khác của Maya, dự án này được thực hiện theo quy trình 5 bước:
DỰ ÁN: XÂY DỰNG BỘ TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN TRỒNG NẤM BẰNG PHỤ PHẨM NÔNG NGHIỆP
MỤC ĐÍCH
Gợi ý cho người nông dân địa phương (thuộc xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất) về việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để trồng nấm – sử dụng hiệu quả thời gian nông nhàn để phát triển kinh tế gia đình hoặc làm phong phú bữa ăn gia đình mà không phải đầu tư nhiều.
MỤC TIÊU
Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn trồng nấm bằng phụ phẩm nông nghiệp, bao gồm video và tài liệu phát tay; và thuyết phục Nhà trường giúp đỡ để đưa được tới người nông dân địa phương.
GIAI ĐOẠN 1: NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG ĐỂ XÁC ĐỊNH SẢN PHẨM MỤC TIÊU
Mùa thu 2022, khi thầy trò học sinh THCS Maya trong Dự án học tập thực tế tại Lá Mây Farm go out cho một chuyến quan sát thực địa và phỏng vấn người dân địa phương – để xác lập mục tiêu hoạt động cho Dự án cộng đồng của Học kỳ I,các em học sinh đã phát hiện và lưu ý 2 điểm quan trọng:
1.
Địa phương (thôn Đồng Dâu, Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội) có diện tích trồng lúa khá lớn nên có 1 lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp từ việc trồng lúa: rơm, rạ, vỏ trấu. Bên cạnh đó còn có nguồn phụ phẩm nông nghiệp phong phú khác như: lá chuối, lá tre khô…
Thói quen xử lý phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương hiện tại: đốt, cho trâu ăn, hoặc bỏ ngay tại ruộng… – những cách xử lý phụ phẩm này chưa được tối ưu mà con có thể gây ô nhiễm môi trường (việc đốt rơm rạ ở ngoại thành vào mùa gặt tạo các đám khói ô nhiễm xung quanh thành phố)
2.
Người dân địa phương ở quanh Trường chỉ trồng 2 vụ lúa mỗi năm, thời gian còn lại trong năm phần lớn người dân không có nghề nghiệp ổn định.
Khi quay trở lại Trường, Nhóm thực hiện Dự án học tập đã mời thày Doanh – Chuyên gia nông nghiệp của Lá Mây Farm, người thày hướng dẫn nông nghiệp của mình – để chia sẻ, thảo luận điều các em muốn làm cho cộng đồng địa phương: tìm ra một giải pháp có thể giúp người nông dân địa phương tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất trong thời gian nông nhàn (vừa giúp phần nào để cải thiện kinh tế gia đình của các bác nông dân, vừa giúp bảo vệ môi trường).
Nội dung chính trong buổi thảo luận
Yêu cầu đối với giải pháp:
- Để người nông dân thay đổi cách sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, hạn chế gây ô nhiễm môi trường 🡪 thì giải pháp phải đáp ứng các điều kiện: (i) mang lại lợi ích kinh tế cho họ; (ii) có thể làm trong thời gian nông nhàn; (iii) không phải đầu tư nhiều;
- Đồng thời, giải pháp cũng cần đáp ứng chủ đề chung của các dự án học tập thực tế năm học 2022-2023 mà Maya đặt ra cho học sinh THCS: “Thúc đẩy nhận thức xã hội về văn hóa địa phương, Hoặc Hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.”
=> Từ các yêu cầu này, thầy Doanh đã gợi ý cho Nhóm thực hiện dự án học tập một giải pháp: sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để trồng nấm.
Đối với giải pháp này, Nhóm dự án đã brainstorming để thảo luận, loại trừ và tìm ra giải pháp phù hợp nhất:
- Giải pháp “Nhóm dự án sẽ thu gom phụ phẩm nông nghiệp từ người dân địa phương để trồng nấm” bị loại bỏ vì: Không lâu dài – Nhóm dự án sẽ chỉ ở trong dự án này 1 năm học, sau đó sẽ không còn ai tiếp nối để sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và tạo nguồn thu cho các bác nông dân.
- Giải pháp “Nhóm dự án sẽ học từ thầy Doanh, sau đó trực tiếp hướng dẫn người dân địa phương để trồng nấm bằng phụ phẩm nông nghiệp” cần điều chỉnh vì: Nhóm dự án chưa đủ năng lực/ uy tín để có thể sắp xếp cuộc gặp trực tiếp với các bác nông dân; và ngay cả khi có cơ hội gặp gỡ trực tiếp, có thể Nhóm dự án sẽ không chuẩn bị kịp khả năng thuyết trình khoa học, mạch lạc – để thuyết phục các bác nông dân thực hiện giải pháp.
Kết luận:
Phân tích năng lực và cơ hội, dưới sự hướng dẫn của thầy, Nhóm dự án quyết định sẽ:
- Nhờ thầy Doanh hướng dẫn cách để trồng nấm trên phụ phẩm nông nghiệp;
- Nhóm sẽ thực hành và chụp ảnh/ quay lại quá trình thực hành;
- Sau đó biên tập thành (i) video hướng dẫn, và (ii) tài liệu phát tay để Hướng dẫn trồng nấm bằng phụ phẩm nông nghiệp.
- Cuối cùng, Nhóm sẽ thuyết phục nhà trường giúp đỡ để gửi các tài liệu này tới người nông dân địa phương (hoặc tốt hơn là tới Ban Khuyến nông hay HTX tại địa phương).
GIAI ĐOẠN 2: LẬP KẾ HOẠCH
Để thực hiện hành công Dự án, Nhóm đã có một thời gian lập kế hoạch tỉ mỉ và cẩn thận, bao gồm:
1. Học về phương pháp nghiên cứu khoa học:
Thầy Doanh hướng dẫn Nhóm dự án về quy trình nghiên cứu một đề tài, với các bước:
- Xác định vấn đề;
- Đặt giả thuyết;
- Tìm bằng chứng để chứng minh giả thuyết thông qua các phương pháp cụ thể: ví dụ đọc tài liệu, thực nghiệm,…;
- Chứng minh giả thuyết là đúng;
- Kết luận giả thuyết là đúng.
2.Xây dựng quy trình nghiên cứu cụ thể cho việc trồng nấm trên rơm
Sau đó, với sự hướng dẫn của thầy Doanh, Nhóm dự án Xây dựng quy trình nghiên cứu cụ thể cho việc trồng nấm trên rơm, bao gồm các bước
- Chuẩn bị nguyên liệu: Rơm, Giống nấm, Vôi, Nước
- Chuẩn bị dụng cụ: kéo, xô, bạt.
- Xử lý nguyên liệu:
+ Cắt nhỏ rơm khoảng 4-6 cm
+ Pha nước vôi theo tỉ lệ: 100gr/10l
+ Ngâm rơm trong nước vôi đã pha trong 12h
+ Vớt rơm để ráo nước trong 1h - Cấy giống:
+ Bước 1: tơi rơm
+ Bước 2: Cấy giống, 1 lớp rơm, 1 lớp meo nén chặt tay, 1 thùng 17L có khoảng 4-5 lớp rơm/ thùng ( khoảng 5-10gr giống/ thùng)
+ Bước 3: Ủ sợi, đóng kín nắp, phủ bạt lên để che kín
+ Thời gian ủ sợi từ 15-20 ngày.
3.Thảo luận và liệt kê các loại chi phí
Nhóm dự án cũng Thảo luận và liệt kê các loại chi phí mà Dự án học tập sẽ cần chi trả, bao gồm:
- Chi phí nhân công trong giai đoạn nghiên cứu (Nhóm thực hiện dự án sẽ tự thực hiện giai đoạn này)
- Chi phí nguyên liệu và dụng cụ
- Chi phí thuê đội quay (để tiết kiệm chi phí này, nhóm quyết định sẽ bắt đầu trồng nhiều mẻ nấm ở nhiều thời gian khác nhau để chuẩn bị các mẫu nấm ở các giai đoạn trưởng thành khác nhau – sau đó chỉ thuê đội quay và diễn lại quá trình trồng nấm trong 1 ngày, thay vì thuê đội quay suốt quá trình nghiên cứu)
- Chi phí thuê dựng dựng video hướng dẫn
- Chi phí viết nội dung và biên tập tài liệu phát tay (Nhóm thực hiện dự án sẽ tự thực hiện giai đoạn này).
Kết luận: Vì đây là một dự án cộng đồng không có thu, nên để có chi phí thực hiện Dự án, Nhóm dự án quyết định sẽ làm hồ sơ và thuyết trình để xin tài trợ từ Nhà trường.
GIAI ĐOẠN 3: THỰC HIỆN
Như quyết định đã thống nhất trong giai đoạn Lập kế hoạch: để tiết kiệm chi phí thuê đội quay video làm tài liệu hướng dẫn, Nhóm dự án quyết định trồng nấm trên phụ phẩm nông nghiệp thành nhiều mẻ với nhiều thời gian bắt đầu khác nhau, để tới ngày quay video, Nhóm có đủ tư liệu là tất cả các mẻ nấm ở tất cả các ngày tuổi trong quá trình phát triển.
Vì thế, giai đoạn Thực Hiện của Dự án này được chia làm 2 giai đoạn nhỏ hơn: (a) Trồng nấm trên phụ phẩm nông nghiệp; và (b) sản xuất tài liệu hướng dẫn trồng nấm trên phụ phẩm nông nghiệp.
A. TRỒNG NẤM TRÊN PHỤ PHẨM NÔNG NGHIỆP
1. Làm nhà trồng nấm đơn giản để thử nghiệm trồng nấm từ kệ tre có sẵn và bạt xin được từ công trường xây dựng
2.Xử lý phụ phẩm nông nghiệp trước khi trồng nấm
Cắt rơm với kích thước khoảng 15-20cm
Cân vôi bột theo tỉ lệ để pha nước vôi ngâm xử lý nguyên liệu (phụ phẩm nông nghiệp: rơm, lá chuối, lá tre)
Chuẩn bị rơm vào từng thùng để ngâm nước vôi
Phối trộn nguyên liệu sau khi ngâm nước vôi theo tỷ lệ từng nghiệm thức thí nghiệm:
- 100% rơm chưa cắt
- 100% rơm cắt
- 20% lá tre và 80% rơm không cắt
- 20% lá tre và 80% rơm cắt
- 20% lá chuối và 80% rơm không cắt
- 20% lá chuối và 80% rơm cắt.
Các thùng thí nghiệm sau khi phối trộn
3.Cấy giống
4.Ủ sợi và quan sát
Tơ nấm phát triển trên nghiệm thức 20% lá tre và 80% rơm cắt sau 4 ngày.
Tơ nấm phát triển sau 1 tuần cấy giống
Quan sát, ghi chép tình trạng phát triển của tơ nấm trong từng nghiệm thức thí nghiệm, về: tốc độ phát triển tơ nấm, màu sắc tơ nấm, mùi v.v…
Và ghi chép theo thực tế.
Dự án đang được tiếp tục triển khai. Lá Mây Farm sẽ tiếp tục cập nhật quá trình tiếp theo tại bài viết này, thân mời cha mẹ và các bạn cùng theo dõi nhé!