LÁ MÂY FARM

Sạch lành từ Vườn rừng sinh thái

Mơ Muối Umeboshi

Mơ muối Umeboshi – Cân bằng âm dương 

Cách Lá Mây cân bằng cho món umeboshi này là: ủ một thứ rất Âm (quả mơ thóc) với 1 thứ rất Dương (muối), hỗ trợ bởi 1 món Ấm (tía tô), tất cả ủ trong chum sành trong 3 năm. Trong 3 năm đó mỗi ngày một chút, vị chua vị mặn ngấu quyện và tự quân bình với nhau.

Phương pháp chế biến này người Á Đông gọi là Phơi khô muối áp lực thời gian, giúp dược tính của mơ được phát huy tốt nhất. Sau 3 năm, mơ muối từ “thực phẩm” dần thành “thuốc”, giúp:
– Đánh thức lá gan, thanh lọc đường ruột
– Bảo vệ hệ tiêu hóa
– Kích thích ăn ngon miệng.
Thành phần

Lá Mây đã ủ chum umeboshi từ ngày đầu tiên về núi. 3 năm trước, khi ấy là mùa xuân, dọc sườn thung vách đá điệp trùng màu trắng xao xuyến của hoa mơ. Qua những ngày nắng mưa, vào độ cuối xuân, những quả mơ ta giống bản địa quả nhỏ vỏ lông đã thơm trên cành. Lá Mây thu mua về, quả xanh làm rượu mơ Umeshu, quả chín làm mơ muối Umeboshi.

Mơ muối umeboshi Lá Mây làm từ:
– Mơ ta giống bản địa quả nhỏ vỏ lông Tây Bắc;
– Muối trắng sạch;
– Tía tô trồng trong vườn;
Tất cả được ủ trong chum sành 3 năm.

Mơ muối Umeboshi

Công thức làm Umeboshi của Lá Mây

Mơ muối umeboshi Lá Mây được làm từ mơ chín vàng nhưng còn cứng, vị vẫn rất chua, phơi khô se rồi ủ muối và lá tía tô 3 năm – người Á Đông gọi là Phơi khô muối áp lực thời gian. Phương pháp này giúp cho năng lượng của thực phẩm Âm được quân bình, phát huy hết dược tính. Sau 3 năm ủ, mơ không còn là thực phẩm mà trở thành một liều thuốc.

Lá Mây gửi bạn cách ủ mơ muối umeboshi thật chi tiết dưới đây. Cuối mùa xuân là lúc mơ chín, nếu rảnh bạn hãy làm nhé <3

Mơ muối Umeboshi

NGUYÊN LIỆU:
– 1kg mơ chín vàng, quả to vừa phải
– 150-200 gr muối (tùy độ mặn của loại muối bạn chọn)
– 100ml giấm
– 100-120gr lá tía tô
– Một chút rượu trắng đựng trong lọ xịt
– Xô sạch có nắp
– Túi nilon dày (có thể dùng loại thường đựng chăn)
– Vật nặng từ 0,5 – 1 kg và 1,5 – 2 kg để nén
 
THỰC HIỆN
🌳 Bước 1: Ngâm mơ
– Rửa qua mơ với nước sạch, gảy phần cuống bằng tăm hoặc xiên gỗ thường dùng để xiên thịt
– Ngâm mơ trong nước pha cùng baking soda và giấm trong 45-60 phút
– Rửa sạch lại mơ, phơi khô ngoài nắng hoặc để ráo rồi đổ ra một chiếc khăn bông sạch và lau khô
– Lồng gọn túi nilon vào lòng xô, rải một lớp muối xuống đáy túi và đặt từng lớp quả mơ. Mỗi lớp mơ lại đan xen với một lớp muối mỏng, lượng muối mỗi lớp khoảng bằng 1 nắm tay. Lớp trên cùng phủ muối dày. Lưu ý: không lắc xô trong quá trình thực hiện vì muối sẽ bị dồn xuống đáy.
– Túm miệng túi nhưng chừa ra một khoảng nhỏ. Ép không khí trong túi ra rồi buộc chặt. Dùng đĩa hoặc vật dụng tương tự đặt lên mặt trên cùng rồi dùng vật nặng đã chuẩn bị để nén. Bạn lưu ý vật nặng chỉ nên từ 1,5-2 kg, nếu quá nặng có thể làm nát mơ.
– Đậy kín nắp, để xô nơi thoáng mát, tránh ánh sáng.
– Sau 3-4 ngày: hơi nước từ mơ chín bốc lên làm tan muối, rồi ngấm vào mơ. Nước mơ tiết ra và dâng ngập đầy mặt mơ. Lúc này, mỗi ngày vào buổi sáng – chiều, bạn lắc xô mơ vài lần cho muối trong xô tan đều.
– Ngày thứ 4-5: Khi muối tan hết, nước tiết ra ngập mơ thì chuyển sang công đoạn ngâm cùng lá tía tô.
 
🌳 Bước 2: Ngâm cùng lá tía tô
– Lá tía tô chọn lá già và lá bánh tẻ, không dùng lá non vì dễ nát và lên màu không đẹp. Lá giữ nguyên phần lá, bỏ cuống rồi ngâm 30 phút và rửa thật sạch để rửa trôi cát bụi
– Phơi lá tía tô cho khô ráo, đến lúc lá hơi héo thì cho vào chậu, rắc một nắm từ 30-50 gr muối rồi nhồi nhẹ nhàng đến khi lá nhàu nát và ra nước màu xanh đen hơi tím đỏ
– Vắt kiệt nước do lá tiết ra và đổ phần nước xanh đen này đi.
– Sát trùng một chiếc chậu bằng rượu mạnh, lau khô rồi chắt hết nước mơ muối ở giai đoạn 1 vào (dùng gỗ hoặc nhựa, không dùng chậu kim loại)
– Dàn đều lá tía tô vào chậu nước mơ, bóp nhẹ rồi ngâm 30 phút. Lúc này, nước mơ bắt đầu chuyển màu đỏ tươi, bạn vắt kiệt lá tía tô rồi để riêng, sau đó đổ nước này trở lại vào xô mơ ban đầu.
– Rải đều lá tía tô lên mặt mơ muối, buộc miệng túi rồi nén nhẹ bằng dụng cụ từ 0,5-1kg sao cho nước mơ tràn lên lá tía tô.
– Đậy kín xô mơ và để vào nơi tối, mát mẻ, hàng ngày lắc đều xô mơ vài lượt cho nước tía tô thấm đều.
 
🌳 Bước 3: sau khi muối mơ khoảng 3-4 tuần, bạn có thể chọn 1 trong 2 cách sau:
🌱 Phơi mơ và dùng ngay
– Chọn lúc thời tiết nắng kéo dài tối thiểu 5 ngày để phơi mơ. Rải đều mơ ra sàng thưa hoặc tấm mành tre rồi phơi dưới nắng. Chỉ phơi mơ vào ban ngày, đến tối bạn có thể bỏ lại chúng vào nước mơ muối.
– Sau khi phơi, trái mơ tạo được đồ dẻo, da mơ nhăn lại, muối đóng thành một lớp phấn ngoài vỏ, cầm khô và mịn tay. Lưu ý đừng phơi khô đến quắt queo.
– Mơ phơi xong bỏ vào các lọ thủy tinh, sành sứ, đậy thật kín, có thể quấn băng keo rồi để vào nơi râm mát.
 
🌱 Phơi mơ và ủ trong chum sành (là cách mà Lá Mây làm)
– Tiến hành phơi mơ như bước trên
– Bỏ mơ đã phơi vào chum, sành sứ rồi đổ dấm mơ trở lại, không cần đổ ngập, chỉ cần ½ là được.
– Đậy kín, quấn màng bọc thực phẩm rồi bảo quản nơi tối, mát mẻ. Phần dấm mơ còn lại đóng chai để dùng dần.
– Sau 1 năm, bạn có thể lấy ra sử dụng. Lá Mây ủ mơ muối 3 năm, lúc đó mơ đã trở thành thuốc.
Tác dụng
  • Giúp điều chỉnh lại chức năng tiêu hóa, phục hồi lá gan: Các bệnh tiêu hóa dễ nảy sinh do chế độ ăn quá nhiều thịt hay nhiều đường sữa, và Mơ muối giúp trung hòa lại triệu chứng dư thừa axit hay kiềm trong cơ thể. Quá trình làm mơ muối giúp quân bình giữa hai loại năng lượng trái ngược nhau này
  • Giúp cân bằng cơ thể, tăng chất lượng máu: Vị chua (axit) sẽ giúp trung hòa việc thừa đạm động vật, muối (kiềm) làm sạch dòng máu không sạch do rượu bia hóa chất có hại
  • Hỗ trợ phụ nữ mang thai: Axit citric trong mơ muối giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, rất tốt cho giai đoạn thai kỳ. Dùng nửa trái mơ vào bữa sáng cũng giúp ngăn ngừa các cơn buồn nôn trong giai đoạn ốm nghén
  • Axit citric kích thích dịch vị, ngăn ngừa u xơ dạ dày, giúp mọi người ăn ngon miệng hơn, đặc biệt là người già
  • Khử trùng diệt khuẩn: Axit hữu cơ trong mơ muối sẽ làm đường ruột tạm thời mang tính axit để ngăn chặn khuẩn sinh sôi. Sau khi được hấp thụ qua thành ruột, axit hữu cơ được kiềm hóa, vào máu và giữ cho máu kiềm tính (Người Nhật hay dùng mơ muối làm 1 nguyên liệu trong món cơm cuộn như chất bảo quản tự nhiên là vì lý do này)

Mơ muối Umeboshi

Hướng dẫn sử dụng

Người Nhật có câu “Uống trà buổi sáng với Mơ muối umeboshi”, đây là một cách rất tốt. Bạn cũng có thể dùng món này bằng nhiều cách khác:

  • Ngậm ăn trực tiếp khi ho rát họng
  • Nghiền quả mơ vào cơm, nước sốt, cơm gạo lứt, canh súp…; thái nhỏ vào sushi
  • Pha nước mơ muối để đẩy lùi mệt mỏi: ngâm một quả mơ muối trong nước nóng trong vòng năm phút, sau đó uống nước và ăn quả của nó.

Mơ muối Umeboshi

Quy cách và HSD

QUY CÁCH: Mơ muối umeboshi đựng trong hũ thủy tinh nắp thiếc dung tích 200ml
HSD: Bảo quản nơi khô ráo thoáng mát, sử dụng trong 5 năm.

Chia sẻ: